Rối loạn tiêu hóa

Táo bón ở trẻ và cách điều trị



Táo bón là hiện tượng phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên ít mẹ biết định nghĩa thế nào là táo bón, không phải cứ 3 - 4 ngày bé mới đi 1 lần được gọi là táo bón. Vì vậy, Trung tâm sức khoẻ Nhi Khoa muốn đi sâu cung cấp kiến thức cho mẹ về vấn đề táo bón và trị táo bón ở trẻ. 


Táo bón được biểu hiện là giảm số lần đại tiện/ngày. Phân của trẻ khô, săn lại, rắn như hòn bi, hoặc như phân dê. Khi bị táo bón, trẻ đi đại tiện khó khăn, rặn khó, vất vả, đỏ mặt, toát mồ hôi. Nhiều trường hợp có máu ở phân do bị rách hậu môn. Táo bón lâu ngày có thể khiến lồi thịt ở hậu môn hoặc có nguy cơ mắc trĩ cao khi lớn lên, nhất là đối với bé gái lớn lên và sau khi sinh con. Táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến sự phát triển bình thường của trẻ. Vậy hiểu và có biện pháp phòng ngừa và điều trị hết sức quan trọng.


Đầu tiên, tạp chí sức khoẻ Nhi Khoa sẽ giúp các mẹ biết một số biểu hiện của táo bón, và trả lời câu hỏi trẻ 3 - 4 ngày đi phân một lần có gọi là táo bón không?

Biểu hiện và nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh

Trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi: 

Độ tuổi này trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nên ít gặp táo bón hơn so với những trẻ uống sữa ngoài. Biểu hiện trẻ bị táo bón có thể 3-4 ngày mới đi đại tiện một lần, phân không được xốp mà keo lại, dẻo như đất sét, ít khi cứng rắn. Bé khó chịu nên hay quấy khóc, không chịu bú, ngủ không ngon, hay giật mình tỉnh giấc, bụng có cảm giác hơi phình, mỗi lần bé muốn đại tiện thì la khóc, oằn mình, không chịu nằm yên. 
Nguyên nhân táo bón có thể do mẹ cho trẻ bú chưa đủ nên phân tạo thành ít hoặc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng như mật ong, nghệ, gia vị… qua đường sữa cho trẻ bú có thể làm trẻ bị nóng. Ngoài ra mẹ bị táo bón sau sinh thì con cũng có thể bị táo hay mẹ không đủ sữa, trẻ phải uống thêm sữa ngoài thì cũng dễ bị táo bón. 
Nếu trẻ 3 - 4 ngày mới đi phân một lần, tuy nhiên phân của trẻ vẫn mềm, và trẻ không có biểu hiện khó chịu hay quấy khóc, không chịu bú, ngủ không ngon giấc ... thì không thể kết luận là trẻ bị táo. Trường hợp này thường xảy ra với trẻ bú mẹ hoàn toàn, do sữa mẹ ít cặn, trẻ hoàn toàn có thể bài tiết qua đường nước tiểu mà không cần đi đại tiện. Ngoài ra, có điểm dễ để các mẹ nhận biết con mình có táo bón hay không là bé có lên cân đều không. Nếu trẻ đi đại tiện ít là do trẻ bú mẹ ít cặn bã, thì thông thường bé vẫn lên cân đều. Trường hợp này thì có thể khẳng định chắc chắn là bé không bị táo bón.

Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi:

Giống như trẻ 1-3 tháng tuổi, tuy nhiên độ tuổi này trẻ thường uống nhiều sữa ngoài hơn, có thể kết hợp ăn thêm bột dinh dưỡng. Táo bón ở lứa tuổi này ngoài đại tiện giảm có thể xuất hiện tình trạng phân nhỏ và hơi cứng, cá biệt một số trẻ có tình trạng phân to như phân trẻ lớn và đầu phân hơi cứng lại. Khi trẻ đại tiện phải rặn nhiều, mặt đỏ bừng rất khó chịu. 

Ngoài những nguyên nhân gây táo bón như trẻ 1-3 tháng tuổi thì độ tuổi này nhiều trẻ đi tiêm phòng có thể bị sốt dẫn đến mất nước, hay những trường hợp bị ho, bị cảm phải uống kháng sinh và các thuốc ho nên có thể gây táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa khác như tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi này hay bị táo là do mẹ cho bé uống ít nước. Thông thường trẻ dưới 6 tháng không cần uống nước nhưng với điều kiện bú mẹ hoàn toàn. Nếu trẻ dùng sữa ngoài hoặc dùng thêm bột này khác thì chắc chắn mẹ cần bổ sung nước cho con. Công thức tính lượng nước: 100ml nhân với cân nặng trừ đi nước từ sữa, chế biến thực phẩm cho bé ... mẹ sẽ tính được lượng nước lọc cần bổ sung cho con để hạn chế táo bón.

Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 
Đây là độ tuổi thường bắt gặp tình trạng táo bón nhất ở trẻ sơ sinh do bé bắt đầu ăn dặm. Tương tự như trẻ dưới 6 tháng nhưng mức độ biểu hiện táo bón rõ rệt hơn, đầu phân cứng hoặc tròn nhỏ như phân dê, đại tiện khó, trẻ rặn nhiều có thể đau rát hoặc bị chảy máu do tổn thương vùng niêm mạc hậu môn. Nhiều trường hợp bụng căng đầy, nắn bụng trẻ thấy cứng rắn như có phân bên trong. Nguyên nhân cũng có thể dẫn tới từ việc thiếu nước như trẻ bị táo bón giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi.

Ăn dặm thiếu chất xơ và uống sữa không hợp thường gây táo bón 
Về nguyên nhân gây táo bón như trẻ dưới 6 tháng, thì có thêm vấn đề mất nước ở những trẻ ham hoạt động, thích lật mình hoặc muốn tập đi, tập bò. Đặc biệt chế độ ăn dặm của trẻ thiếu chất xơ từ rau củ quả tươi là một nguyên nhân điển hình gây nên tình trạng táo bón. Theo nhiều chuyên gia ở những trẻ có chế độ ăn dặm được bổ sung nhiều loại rau, đa dạng trong cách chế biến như nấu với cháo, xay với bột, nước ép hay làm sinh tố sẽ ít bị táo bón hơn những trẻ khác.

Tác hại do táo bón đối với trẻ sơ sinh 
Trước tiên táo bón làm cho trẻ cảm thấy khó chịu, bụng đầy chướng, bé chưa tự nói được với mẹ nên thường biểu hiện bằng quấy khóc, ngủ không ngon hay bị tỉnh giấc, ăn uống kém, không chịu ăn chịu bú dẫn đến chậm phát triển và kém hoàn thiện về thể chất. Ngoài ra khi phân không được đào thải ra ngoài, các chất độc trong phân có thể xâm nhập trở lại qua đường tiêu hóa và gây hại cho trẻ. 

Đối với những trẻ ăn dặm và dùng sữa ngoài thì lượng phân tạo thành nhiều hơn, khi bị táo bón, trẻ giảm đại tiện làm phân tích tụ trong đại tràng có thể gây phình đại tràng. Phân cứng, trẻ đại tiện phải rặn nhiều có thể gây tổn thương vùng hậu môn chảy máu, nếu kéo dài có thể gây bệnh trĩ.

Giải pháp chữa táo bón cho trẻ sơ sinh 
Khi xác định trẻ sơ sinh bị táo bón, cha mẹ không nên lo lắng mà cần bình tĩnh để có những biện pháp phù hợp, không nên vội vàng đã thụt tháo cho trẻ vì nếu quá lạm dụng sẽ làm trẻ quen và không tự đi, thậm trí có thể gây tổn thương hậu môn của trẻ nếu thụt không khéo. Đồng thời không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc xổ, thuốc nhuận tràng vì có nhiều loại không được dùng cho trẻ sơ sinh vì có nhiều tác dụng phụ gây hại cho trẻ.
Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn:
1. Điều chỉnh từ mẹ 
Nếu mẹ gặp tính trạng táo bón cần điều chỉnh bằng tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh và các thứ có tác dụng nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi, mang tây… hoặc uống chất xơ hòa tan Natufib dạng đóng túi, loại chuyên dụng giải quyết tình trạng táo bón cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Mẹ cũng cần hạn chế tối đa các thực phẩm cay nóng, tăng cường cho bé bú giúp lượng phân tạo thành lớn hơn, bé sẽ đại tiện dễ dàng hơn. 


2. “Xi” cho bé đại tiện 
Mẹ đừng lo trẻ không biết gì, nên xi cho trẻ vào buổi sáng sau khi trẻ ăn xong một lúc. Việc mẹ xi sẽ giúp bé dần hình thành phản xạ muốn đi đại tiện và đúng giờ đấy mẹ xi bé sẽ có thể đại tiện được.

3. Xoa bụng cho bé
Đặt lòng bàn tay vào bụng của bé, xoa nhẹ nhàng ngược chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài. Mỗi lần xoa cho bé khoảng 10 - 15 phút, nên kết hợp với lúc xi bé đại tiện, không xoa lúc bé ăn no mà cần chờ bé ăn xong khoảng 30 phút mới thực hiện.




4. Di chuyển chân cho bé
Cho bé nằm ngửa, cầm hai chân của bé và di chuyển lên xuống như động tác đạp xe. Giống như xoa bụng cần thực hiện 10-15 phút sau khi bé ăn khoảng 30 phút.


5. Cho bé tắm ấm

Có thể để bé thư giãn trong bồn-chậu một chút để phân di chuyển dễ dàng hơn, đồng thời bạn cũng xoa bóp nhẹ vùng bụng cho bé. Khi tắm xong cần lau khô ngay tránh bị lạnh cho bé, có thể xoa một chút kem hoặc dầu jelly (Vaseline) xung quanh bên ngoài của hậu môn bé.


Trẻ ăn dặm và uống sữa ngoài:

Ngoài những biện pháp điều chỉnh giống trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn như xoa bụng, chuyển chân, tắm ấm, hay tập đại tiện đúng giờ thì để chữa táo bón cho trẻ hiệu quả hơn cần chú ý thêm một số biện pháp sau.

1. Xem lại hộp sữa trẻ đang sử dụng

Bạn có thể thay thế loại sữa khác có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và phù hợp với trẻ hơn. Nếu sữa có thêm thành phần chất xơ Fructooligosaccharide (FOS) sẽ là tốt giúp trẻ hạn chế táo bón. Ngoài ra cần pha sữa đúng như quy định của nhà sản xuất ghi trên vỏ hộp chưa, không được pha đặc hơn hay loãng ra.

2. Cho trẻ uống thêm nước

Cần cung cấp đủ nước cho trẻ, nhất là với trẻ vận động nhiều hoặc do thời tiết khô hạn, nóng bức làm trẻ mất nhiều nước do toát mồ hôi. Việc cung cấp đủ nước giúp phân mềm và ít bị táo bón hơn.

3. Một số biện pháp khác

Một số biện pháp khác có thể hạn chế táo bón ở trẻ như: matxa bụng cho trẻ, tập các động tác như đi xe đạp giúp cho trẻ tăng nhu động ruột, ...

4. Bổ sung thêm chất xơ và vi sinh vật có ích/probiotic (thực phẩm bổ sung vi sinh).

Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ quả như khoai lang, mồng tơi, rau diếp xoăn, măng tây, quả lê, mận… Cần thay đổi đa dạng các loại rau trong bữa ăn hàng ngày để trẻ không thấy chán hoặc nên xay toàn bộ quả, hay làm sinh tố để trẻ có thêm lượng nước cần thiết. 

Trường hợp trẻ không nhận đủ lượng chất xơ từ ăn uống hàng ngày tuy nhiên tình trạng táo bón nặng, không cải thiện, cha mẹ nên có thể cho trẻ sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung chất xơ, và/ hoặc bổ sung thêm men vi sinh/ cốm vi sinh cho trẻ. Men vi sinh/ cốm vi sinh chứa lợi khuẩn giúp tăng hấp thụ nước và điện giải ở ruột cuối, đồng thay đổi PH ở trong ruột, kích thích nhu động ruột hoạt động mạnh hơn tống phân ra bên ngoài.

Xem thêm Có nên thụt hậu môn cho trẻ không?

Theo Tạp chí sức khoẻ Nhi Khoa






About Zeambi - Cho con tuổi thơ khoẻ mạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.